Phân tích đoạn thơ: “Ta về, mình có nhớ ta… Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” trong bài Việt Bắc

I. Dàn ý phân tích đoạn thơ “Ta về, mình có nhớ ta… Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc và dẫn dắt vào đoạn thơ.

2. Thân bài

– “Ta về, mình có nhớ ta/Ta về ta nhớ những hoa cùng người”: người ra đi hỏi người ở lại liệu có nhớ về họ, đồng thời khẳng định mình luôn nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

– “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”:

+ Mùa đông hoa chuối đỏ tươi tô điểm cho khu rừng xanh, hòa vào đó là ánh nắng vàng làm cho bức tranh mùa đông của Việt Bắc thêm hài hòa màu sắc.

+ Hình ảnh con người hiện lên với chiếc dao gài ở thắt lưng lên rừng làm việc tuy mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng đẹp đẽ.

– “Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”:

+ Mùa xuân “mơ nở trắng rừng” mùa xuân Việt Bắc đặc trăng là màu trắng tinh khiết của của rừng hoa mơ.

+ Giữa khung cảnh thơ mộng ấy là hình ảnh con người cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo chuốt từng sợi giang để đan nón.

– “Ve kêu rừng phách đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình”:

+ Mùa hạ ve kêu rừng phách đổ vàng” tiếng ve quen thuộc của mùa hè giữa rừng hoa phách vàng gợi liên tưởng tiếng ve như bát sơn vàng sóng sánh đổ lên rừng gỗ xanh khiến tất cả chuyển sang một màu vàng ấm áp.

+ Hình ảnh cô gái hái măng một mình nhưng không cô đơn vì làm bạn với thiên nhiên.

– “Rừng thu trăng rọi hoà bình/Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”:

+ Mùa thu rừng thu trăng rọi hòa bình ánh trăng Việt Bắc mùa thu vô cùng yên bình, trong trẻo gợi cảm giác thanh mát.

+ Hòa vào khung cảnh đó là tiếng hát ân tình thủy chung của người dân dạt dào tình cảm.

→ Hình ảnh hòa hợp giữa thiên nhiên và con người tạo nên bức tranh Việt Bắc vô cùng xinh đẹp khiến người ta nhớ mãi.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, ý nghĩa của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung.

II. Văn mẫu phân tích đoạn thơ “Ta về, mình có nhớ ta… Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

1. Bài mẫu số 1

Tố Hữu là một nhà thơ biết khơi nguồn cho cái mới ngay trên nền truyền thống của thơ ca dân tộc, để biểu đạt tình cảm yêu thương ân nghĩa từ ngàn đời. Điều này được thể hiện rất rõ qua bức tranh tứ bình viết về nỗi nhớ thiên nhiên, con người trong bài thơ “Việt Bắc”.

“Việt Bắc” được sáng tác vào năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta, Hiệp định Giơ – ne – vơ về Đông Dương được kí kết. Vào tháng 10 năm 1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân dịp ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ. Tác phẩm là khúc ca ân tình về kháng chiến, con người Việt Nam trong cách mạng. Đoạn thơ chứa đầy màu sắc về thiên nhiên, con người Việt Bắc. Trong đó, hai câu thơ đầu có ý nghĩa khái quát cảm xúc của toàn đoạn:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Nhà thơ vẫn sử dụng cách xưng hô “Ta” – “mình” thân thuộc, gần gũi. Hai chữ “Ta về” được ngắt riêng như một nốt nhạc quãng ngắt lưu luyến, ngập ngừng trong bản tình ca cách mạng. Câu hỏi tu từ “Ta về, mình có nhớ ta” mang âm hưởng trữ tình ngọt ngào của ca dao, dân ca. Câu hỏi ấy không chỉ hướng về phía người ở lại mà còn hướng về chính người chiến sĩ. Người cán bộ cách mạng tự khẳng định tình cảm ân nghĩa thủy chung của lòng mình với thiên nhiên, con người Việt Bắc. Vậy người ra đi nhớ điều gì? Người ra đi nhớ “những hoa cùng người”. “hoa” ở đây có nghĩa là thiên nhiên đẹp đẽ, tươi sáng, hùng vĩ của Việt Bắc. Hòa với nét đẹp của hoa là vẻ đẹp của “người”. Con người và thiên nhiên Việt Bắc hòa quyện, gắn bó khăng khít, làm nên cái hồn cho mảnh đất này.

Những câu thơ sau là bức tranh tứ bình đầy ấn tượng:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên đầy sức sống, đẹp đẽ, tươi sáng đến lạ thường. Cảnh rừng Việt Bắc trong mùa đông vẫn thật xanh tươi, căng tràn sức sống: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”. Trên cái nền xanh thẳm của núi rừng là sắc đỏ rực rỡ tựa muôn ngàn đốm lửa của những bông hoa chuối. Thiên nhiên đang tự mình thắp lên những ngọn lửa để sưởi ấm trong trời đông rét ngọt. Mùa đông trong thơ Tố Hữu không những không hề héo úa, lụi tàn mà còn lấp lánh ước mơ, hi vọng. Đến mùa xuân, bao nhiêu mầm sống được ấp ủ bấy lâu đã thỏa sức bung nở. Khung cảnh như thay màu áo mới. Màu trắng tinh khôi, trong trẻo của hoa mơ bao phủ khắp đất trời. Hai chữ “trắng rừng” cho thấy sức sống âm thầm mà mãnh liệt vô cùng. Dường như mải đắm mình trong bạt ngàn hoa trắng, ta giật mình ngỡ ngàng khi hạ đã về tự bao giờ. Câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” gợi lên bản tình ca mùa hè sôi nổi, rạo rực. Đây là vẻ đẹp đặc trưng của Việt Bắc. Chữ “đổ” là nhãn tự của cả câu thơ, diễn tả sự giao hòa của tạo vật. Ve kêu đến đâu, rừng phách ngả vàng đến đó. Sắc màu thời gian như đổ xuống cảnh vật, đẹp đẽ và diệu kì. Đến mùa thu, điều tác giả nhớ nhất chính là “Rừng thu trăng rọi hoà bình”. Ánh trăng mơ màng, dịu dàng chiếu rọi xuống cảnh vật. Mọi ngóc ngách trong rừng đều chảy tràn ánh trăng, huyền ảo như bước ra từ trang cổ tích. Thiên nhiên Việt Bắc đáng yêu, bình yên quá đỗi khiến người ta say đắm không thể nào quên.

Đi liền với nỗi nhớ thiên nhiên, tác giả còn nhớ về con người Việt Bắc rất mực thân thương. Họ hiện lên trong tư thế hài hòa, làm chủ tự nhiên. Câu thơ: “Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” mang màu sắc “rất Việt Bắc” (Xuân Diệu). Nhân dân Việt Bắc thường gài chiếc dao vào thắt lưng khi đi làm nương rẫy. Trên tầm cao của đèo, ánh nắng chiếu vào dao tạo nên phản quang lấp lánh. Con người không nhỏ nhoi, đơn độc trước cái cao, dốc của đèo mà trái lại, càng mạnh mẽ và hào hùng. Trong khung cảnh mùa xuân, tác giả miêu tả cụ thể về người đan nón. Động từ “chuốt” có nghĩa là trau chuốt, làm cho bóng, cho mượt. Chữ “từng” gợi tả sự tỉ mỉ, cần cù, khéo léo, tài hoa của con người Việt Bắc khi lao động. Thiên nhiên có hoa mơ nở trắng rừng, con người lại có chiếc nón trắng thể hiện tấm lòng tha thiết gắn bó với quê hương, đất nước. Người dân gửi cả tấm lòng mình vào công việc thủ công, sáng tạo ra những vật phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến khi hạ về, tác giả phát hiện ra giữa sắc vàng óng ả của rừng phách là “cô em gái hái măng một mình”. Sự hiệp vần “hái “ với “gái” khiến câu thơ đậm tính nhạc hấp dẫn. Người con gái Việt Bắc thật trẻ trung, tươi tắn, xinh đẹp. Dẫu cô gái đang đi hái măng một mình, làm công việc lao động vất vả giữa rừng nhưng chẳng hề lẻ loi, cô độc. Con người làm chủ tự nhiên và cuộc đời, bộc lộ rõ nét hồn nhiên, đáng yêu đến lạ. Cuối cùng, tác giả nhớ đến tiếng hát “ân tình thủy chung” dưới đêm trăng trong mùa thu. Đó không chỉ là tiếng hát trong trẻo vang lên trong đêm thanh mà còn là tiếng lòng ân nghĩa vẹn tròn giữa “ta” và “mình”. Tiếng hát khép lại đoạn thơ nhưng tình người thì mãi còn vang vọng.

2. Bài mẫu số 2

Việt Bắc – quê hương Cách mạng đã trở thành nơi để nhớ, để thương yêu sâu sắc với những người sống trong kháng chiến. Những cảnh vật thiên nhiên và con người nơi đây dường như đã trở thành những phần máu thịt, để rồi khi phải chia xa, những người chiến sĩ đã từng cùng “nếm mật nằm gai” với nhân dân Việt Bắc lưu luyến, không muốn xa rời. Những cảm xúc bịn rịn, lưu luyến và những năm tháng gắn bó nơi núi rừng đã được nhà thơ Tố Hữu tái hiện trong bài thơ Việt Bắc. Trong bài thơ, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc là sự toàn vẹn, toàn bích của ngôn từ trong bức tranh tứ bình:

“Ta về, minh có nhớ ta,
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao náng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng,
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

Đây là bức tranh được dệt bằng ngôn từ nghệ thuật toàn bích, có sự hoà quyện giữa cảnh và người, giữa cuộc đời thực với tấm lòng của nhà thơ cách mạng. Mười câu thơ trên nằm trong trường đoạn gồm 62 câu thơ diễn tả tâm tình của người cán bộ sắp sửa rời Việt Bắc, nơi mình đã 15 năm gắn bó với bao tình cảm máu thịt.

Đoạn thơ mở đầu bằng câu hỏi: “Mình về mình có nhớ ta”, nhưng thực ra hỏi để tạo thêm cái cớ giãi bày nỗi lòng mình: “Ta về ta nhớ những hoa cùng người”. Đây là lời ngợi ca về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Trong ngôn ngữ Việt, hoa là biểu trưng về thiên nhiên, những gì tốt đẹp. Đặt hoa bên cạnh người là sự tôn vinh kín đáo, tinh tế của Tố Hữu với thiên nhiên và con người Việt Bắc. Hoa và người hòa quyện, gắn bó với nhau sâu sắc. Cặp từ xưng hô “mình” – “ta” được sử dụng khiến cho cuộc chia tay của người cán bộ và nhân dân Việt Bắc như cuộc giã bạn của lứa đôi.

Tám câu thơ sau là bức tranh liên hoàn về con người và thiên nhiên Việt Bắc. Nhiều người gọi đây là bộ tức bình (xuân – hạ – thu – đông), song bức tranh tứ bình trong “Việt Bắc” bắt đầu từ mùa đông, theo trình tự đông – xuân – hạ – thu. Bởi, vào đêm mùa đông năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân kháng chiến. Ở Hà Nội, những người lính lặng lẽ rời thành phố, bí mật theo chân cầu sông Hồng ngược xuôi lên căn cứ cách mạng Việt Bắc:

“Cái đêm rét qua chân cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sông, sông Hồng bên bờ hát mãi
Tô niềm tin khúc khải hoàn ca”.
(Cảm xúc tháng Mười – Nguyễn Thành & Tạ Hữu Yên)

Bức tranh đầu tiên mở ra một không gian rộng lớn, bạt ngàn của rừng Việt Bắc:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.

Trên nền “rừng xanh” bao la, ngút ngàn, nổi bật lên hình ảnh “hoa chuối đỏ tươi”. Nghệ thuât điểm xuyết làm những bông hoa chuối nổi bật hơn cả, có sức gợi tả lớn. Đồng thời, sắc đỏ của hoa chuối cũng làm mùa đông Việt Bắc trở nên ấm áp hơn. Hoa chuối cũng là loài hoa sức sống bền bỉ, không chóng tàn như những loài hoa khác. Câu thơ gợi nhắc đến hình ảnh hoa lựu trong thơ Nguyễn Trãi:

“Thạch Lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.

Trong câu thơ tám thấp thoáng hình ảnh con người: “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Hai tiếng “đèo cao” gợi tả con đường đi lên nương rẫy không hề dễ dàng, nhưng với tư thế làm chủ “dao gài thắt lưng”, con người vẫn vươn mình theo từng bước, thể hiện tình yêu lao động thật đáng trân quý.

Bức tranh thứ hai mở đầu có sự định vị về thời gian “ngày xuân”, và mở ra không gian đất rừng Việt Bắc độ xuân về:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng”

Hình ảnh ấy làm cho Việt Bắc mang một vẻ đẹp riêng biệt, bởi lẽ khi xuân về khắp mọi miền đất nước là sắc mai vàng, đào hồng thắm, còn nơi đây lại là hoa mơ “nở trắng rừng”. Sắc trắng của hoa mơ toát lên không gian thật đẹp đẽ, thuần khiết, trong lành giữa những cánh rừng bạt ngàn thời chiến. Chính Tố Hữu cũng đã từng viết về hình ảnh tinh khôi ấy:

“Ôi sáng xuân nay, xuân 41!
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ”.

Trên nền không gian rộng lớn ấy, nhà thơ hứng mắt nhìn về một hoạt động tỉ mỉ:

“Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.

Từ “chuốt” trong câu thơ là trau chuốt, làm bóng lên. Chữ “từng” gợi sự cần mẫn, cách làm tỉ mỉ, chịu khó. Đó là hình ảnh đặc trưng của sinh hoạt đời thường ở Việt Bắc, cũng là hình ảnh khắc ghi trong tâm khảm những người đã gắn bó sâu đậm nơi đây, nay phải ra đi không hẹn ngày trở lại.

Bức tranh thứ ba, câu thơ mở đầu bằng âm thanh ve kêu, nhưng cũng là cách định vị thời gian: mùa hè.

“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”.

Âm thanh và màu sắc vàng của rừng phách tạo nên sự tưng bừng, rộn ra của thiên nhiên khi hè về. Từ “đổ” đã diễn tả tinh tế thời khắc chuyển giao của thiên nhiên, vạn vật. Ta nhớ tới vần thơ của Xuân Diệu:

“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”.

Và trong lời thơ tám chữ vẫn thấp thoáng hình bóng con người, “cô em gái” vùng sơn cước đang “hái măng một mình”. Hình ảnh thơ gợi vẻ đẹp lao động, chịu thương chịu khó của cô gái. Tuy “một mình’ nhưng không gợi sự cô đơn, hiu hắt bởi cô đang làm bạn với thiên nhiên, làm chủ lao động, làm chủ tự do.

Khép lại bộ tranh tứ bình là bức tranh mùa thu cùng tiếng hát chia tay giã bạn để lại âm vang nghĩa tình kháng chiến:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

Trăng vốn là hình ảnh giàu chất biểu tượng trong văn học. Trong ca dao, ánh trăng gắn với cuộc sống lao động bình dị của con người:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

Vầng trăng còn là biểu tượng ch tình người thắm thiết trong thơ ca trung đại:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”.

Hay:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Ánh trăng trong “Việt Bắc” trải dài lên cảnh vật, gợi không khí thanh bình, yên ả. Chữ “rọi” được tác giả sử dụng thật hay, diễn tả được ánh trăng tràn ngập khắp không gian bao la, đó là ánh trăng của hòa bình, tự do, của niềm vui độc lập phủ trùm lên núi rừng, bản làng Việt Bắc. Từ “hòa bình” vừa gợi nhắc cuộc sống êm đềm, vừa gợi sự thanh tĩnh của rừng khuya. Đêm trăng thu êm ả thấp thoáng ước mơ của con người về cuộc sống thanh bình. Ánh trăng hòa bình ấy cũng là ánh trăng của cách mạng, của niềm tin, sự lạc quan.

Giữa bao la ánh trăng, vang lên “tiếng hát ân tình thủy chung” – tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, khúc ân tình vang vọng trong tâm trí người ra đi. Đó cũng là tiếng hát của Việt Bắc, của núi rừng, của những kỉ niệm “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”.

Bộ tứ bình bằng thơ về cảnh và người Việt Bắc được dệt dưới ánh sáng của hoài niệm da diết. Thi sĩ khắc họa bức tranh quê hương Việt Bắc thời kì kháng chiến toát lên vẻ đẹp thiên nhiên bốn mùa ở Việt Bắc và hình ảnh con người cần cù chịu thương chịu khó mãi đọng lại trong tâm hồn người ra đi. Phải chăng, “có nơi đâu đẹp tuyệt vời – quê hương Việt Bắc nghìn đời mến yêu.”

Thể thơ lục bát đậm đà tính dân tộc với giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, tha thiết đã làm cho lời thơ nhẹ nhàng, chạm khắc vào lòng người đọc. Hàng loạt điệp từ nhớ trong một khổ thơ như là sự nối dài của lòng hoài niệm không dứt. Đồng thời, tác giả sử dụng cách ngắt nhịp tinh tế tạo âm điệu trầm bổng cho câu thơ. Hình ảnh trong thơ gần gũi, bình dị, mang đậm màu sắc Việt Bắc, ngôn ngữ thơ trong sáng, tinh tế, giàu sức gợi. Có thể nói đoạn thơ trên là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc bởi kết tinh một nghệ thuật thơ ca vừa giàu tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại trong một điệu tâm hồn say đắm.

3. Bài mẫu số 3

Nền văn học Việt Nam đã ghi danh nhiều tác giả với những cống hiến quan trọng. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại có những dấu mốc văn học khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc đến tác giả Tố Hữu – một nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với hình ảnh người lính anh dũng cùng tình cảm gắn bó sâu nặng với đồng bào Việt Bắc, ông đã mang đến cho bạn đọc một góc nhìn khác vô cùng trữ tình về người chiến sĩ trong thời chiến thông qua bài thơ Việt Bắc. Nổi bật trong bài thơ là những hồi ức của người ra đi về bức tranh tứ bình Việt Bắc:

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”

Mười câu thơ là hình ảnh đan xen giữa thiên nhiên và con người Việt Bắc trong tâm trí của người ra đi. Mở đầu, người ra đi khẳng định tình cảm của mình dành cho những người ở lại:

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Câu thơ đầu tiên sử dụng câu hỏi tu từ “mình có nhớ ta”, câu thơ thứ hai là tự trả lời. Với Tố Hữu, người cán bộ ra đi không chỉ nhớ đến những ngày tháng gian khổ “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”, mà còn nhớ đến vẻ đẹp đáng yêu của Hoa cùng Người. Ở đây, hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc. Còn con người là con người Việt Bắc với tấm áo chàm nghèo khổ nhưng đậm đà lòng son. Hoa và Người quấn quýt với nhau trong vẻ đẹp hài hòa đằm thắm để tạo nên cái nét riêng biệt, độc đáo của vùng đất này. Chính điều ấy đã tạo nên cái cấu trúc đặc sắc cho đoạn thơ.

Xem thêm  Cách tiết kiệm 3G, 4G hiệu quả dành cho smartphone Android

Sau khi khẳng định nỗi nhớ của mình dành cho thiên nhiên và con người Việt Bắc, người ra đi cụ thể hóa nỗi nhớ ấy qua từng mùa trong năm, mở đầu là mùa đông:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Điểm xuyết trên cái nền màu xanh bát ngát bao la của cánh rừng, là màu hoa chuối đỏ tươi đang nở rộ lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Từ xa trông tới, bông hoa như những bó đuốc thắp sáng rực tạo nên một bức tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập, vừa hài hòa, vừa cổ điển vừa hiện đại. Cái màu “đỏ tươi” – gam màu nóng của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng. Cùng hiện lên với cái lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng chiến khu lên núi làm nương, phát rẫy. Trước thiên nhiên bao la, con người dường như càng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng hơn. Giữa núi và nắng, giữa trời cao bao la và rừng xanh mênh mang. Con người ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.

Kết thúc mùa đông, mùa xuân hiện ra với vẻ tinh khôi:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, trong trẻo, tinh khiết của hoa mơ nở khắp rừng: “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”. “Trắng rừng” được viết theo phép đảo ngữ và từ “trắng” được dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc, màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, và làm bừng sáng cả khu rừng bởi sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Mùa xuân càng trở nên tươi tắn hơn nữa bởi sự xuất hiện của hình ảnh con người với hoạt động “chuốt từng sợi giang”. Con người đẹp tự nhiên trong những công việc hằng ngày. Từ “chuốt” và hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay của con người lao động: cần mẫn, tỉ mẩn, khéo léo, tài hoa, nhanh nhẹn, chăm chút đó cũng chính là phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc.

Mùa hè đến trong âm thanh rộn rã của tiếng ve, bức tranh Việt Bắc lại sống động hơn bao giờ hết:

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

Thời điểm ve kêu cũng là thời điểm rừng phách đổ vàng. Động từ mạnh “đổ” diễn tả sự vàng lên đồng loạt của hoa phách đầu hè. Màu của cây phách đổ vàng cả suối ngàn dường như làm cho ánh nắng của mùa hè và cả tiếng ve kêu râm ran kia nữa cũng trở nên óng vàng ra. Chỉ trong một câu thơ trên mà ta thấy được cả thời gian luân chuyển sống động: tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đến và cây phách ngả sang màu vàng rực rỡ. Hiện lên trong cái thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp cho bộ đội kháng chiến: “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Hái măng một mình mà không gợi lên ấn tượng về sự cô đơn, hiu hắt như bóng dáng của người sơn nữ trong thơ xưa; trái lại rất trữ tình, thơ mộng, gần gũi thân thương tha thiết. Hình ảnh thơ cũng gợi lên được vẻ đẹp chịu thương chịu khó của cô gái. Đằng sau đó, ẩn chứa biết bao niềm cảm thông, trân trọng của tác giả.

Khép lại bức tranh tứ bình là mùa thu thanh bình, êm ả:

Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Không gian bao la tràn ngập ánh trăng, đó là ánh trăng của tự do, của hòa bình rọi sáng niềm vui lên từng núi rừng, từng bản làng Việt Bắc. Bức tranh mùa thu Việt Bắc đã làm hoàn chỉnh bức tranh tuyệt mỹ của núi rừng và khép lại đoạn thơ bằng tiếng hát “ân tình thủy chung” gợi cho người về và cả người đọc những rung động sâu xa của tình yêu quê hương đất nước.

Cả đoạn trích như một bản nhạc nhịp nhàng, tha thiết được hòa tấu bởi là khúc tình ca và khúc trường ca về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về những con người kháng chiến anh hùng. Thông qua khúc nhạc đẹp đẽ, hào hùng ấy nhà thơ đã bộc lộ được những tình cảm tha thiết, sâu đậm của mình dành cho vùng núi rừng Việt Bắc, ngợi ca tình đồng chí, nghĩa tình đồng bào. Qua đó, tác giả cũng nhắn nhủ đến người đọc đừng quên những trang sử hào hùng của dân tộc, những trang sử thấm đẫm máu và nước mắt, cũng là những trang sử thấm đượm tình cách mạng, lòng yêu nước sâu sắc.

4. Bài mẫu số 4

Kể về những thành tựu xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp xâm lược, có lẽ chúng ta không thể nào không nhắc đến Việt Bắc của Tố Hữu. Đây là một bài thơ mang đậm màu sắc dân tộc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu. Thông qua đó, thể hiện niềm nhớ thương tha thiết và tình cảm sắt son, đằm thắm của nhân dân Việt Bắc với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ, đồng thời cũng thể hiện tình cảm của người cán bộ kháng chiến với thiên nhiên, núi rừng và con người Việt Bắc.

Đoạn thơ gồm năm câu lục bát nhắc lại những cảnh thân thiết và tươi đẹp nhất về cánh và người Việt Bắc trong hồi ức của người cán bộ cách mạng miền xuôi, ở đây chính là nhà thơ.

Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người.

Đây là hai câu thơ mở đầu nhưng nó mang cảm xúc chung cho toàn đoạn. “Ta” là người ra đi mà cũng là chính tác giả. Ở đây đoạn thơ kết cấu theo lối đối đáp thông thường trong dân ca truyền thống. Do đó, đây chính là lời nói ngọt ngào của người ra đi với người ở lại để liên tưởng đây là một thiếu nữ địa phương. Và câu hỏi tu từ này là cái cớ bày tỏ tình yêu của một chàng trai miền đồng bằng với cô gái miền cao.

“Hoa và người” thực là nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Ở đây, thiên nhiên hòa điệu với con người, giữa chúng ngoài mối quan hệ tương hỗ còn có mối tương sinh lẫn nhau. Việt Bắc sinh ra con người và con người làm nóng ấm quê hương Việt Bắc.

Tiếp theo, tám dòng lục bát còn lại như là một bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người nơi đây. Với bốn dòng lục, nhà thơ đã miêu tả phong cảnh núi rừng qua bốn mùa, mỗi mùa là một bức tranh thiên nhiên có nét đẹp riêng biệt. Qua đây, ta thấy chỉ riêng đoạn thơ này đã thấm đậm tính chất dân gian.

Đầu tiên là bức tranh tả cảnh và khơi gợi cho chúng ta tình cảm mến thương của mùa đông Việt Bắc. Tại sao lại là mùa đông? Vì đây là hồi ức của tác giả trong giờ phút chia tay. Chúng ta còn nhớ, vào một đêm mùa đông 1946, Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân kháng chiến. Đặc biệt ở Hà Nội, những người lính cảm tử sau hai tháng giam chân địch trong thành phố đã bí mật vượt sông Hồng để lên căn cứ cách mạng Việt Bắc. Sự kiện này, đến tận bây giờ vẫn sống mãi bởi một khúc hát quen thuộc:

Đêm cái đêm rét quá chân cầu

Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại

Sông, sông Hồng bên bờ hát mãi

Tỏ niềm tin khúc khải hoàn ca.

Lưu Trọng Lư trong Một mùa đông đã từng viết:

Đôi mắt em lặng buồn,

Nhìn tôi mà không nói.

Tình đôi ta vời vợi,

Có nói cũng vô cùng

Trời hết một mùa đông

Không một lần đã nói…

Thế mà, ở chốn núi rừng heo hút này đột ngột bừng lên màu đỏ tươi của hoa chuối rừng như những bó đuốc thắp lên sáng rực. Vẻ đẹp nên thơ và rực rỡ của Việt Bắc vào mùa đông gợi cho người đọc những rung động sâu xa. Thông qua bức tranh, ta thấy dù mùa đông lạnh giá nhưng sự sống núi rừng vẫn cứ như tuôn trào, cảm giác đem đến cho lòng người sự ấm áp lại.

Thiên nhiên đáng yêu như thế, còn con người thì sao? Ta xét tiếp câu hát:

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Thời gian được xác định bởi yếu tố “ngày xuân”. Chính ấn tượng thời gian này tạo sự vận động, sinh sôi nảy nở. Không gian ở đây như là cổ tích. Mới vừa rồi màu xanh bạt ngàn điểm hoa chuối đỏ, bây giờ nở bung ra những rừng mơ trắng muốt thoảng hương thơm. Cái màu trắng dìu dịu tinh khiết ấy phủ lên cả cánh rừng, gợi lên trong lòng ta một cảm giác thơ mộng bâng khuâng. Ngoài ra màu trắng của hoa mơ gợi cho người ta cái thanh thoát hơn, đem lại cho lòng người sự thanh thản, thảnh thơi. Câu thơ làm cho ta thấy dường như màu xanh đã bị lấn lướt. Mùa xuân ở đây không tưng bừng như mùa xuân của Xuân Diệu mà nó đến một cách lặng lẽ, âm thầm nhưng không kém niềm vui.

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Mùa xuân miêu tả trong câu thơ rất đặc trưng cho mùa xuân Việt Bắc. Sợi giang là sản phẩm của Việt Bắc. Do vậy, người lao động đó là người Việt Bắc chứ không phải là người miền xuôi. Nhìn thấy được từng sợi giang, tức là con người được nhìn ở tầm gần.

Thế rồi, khoảnh khắc của mùa xuân cũng qua mau, con người tiếp tục sống cuộc sống của họ.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Bức tranh gợi sự chú ý cho người đọc bằng thị giác, lẫn thính giác. Đầu tiên, cái độc đáo ở đây chính là âm thanh, âm thanh mùa hạ, tiếng “ve kêu”. Câu thơ tạo ra hình ảnh nhân hóa. Con ve là loài vật, vậy mà nó biết kêu, biết gọi, nó xui khiến rừng phách “đổ vàng”. Chúng ta nên dành một ít thời gian để tìm hiểu cái rừng phách kỳ lạ này. Phách là một loài cây thân gỗ ở rừng Việt Bắc, nở hoa vàng vào đầu mùa hạ.

Tiếng ve kêu râm ran đây đó báo hiệu mùa hạ, nhưng lúc này đã là cuối hạ. Lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng, cả rừng phách thay áo mới, chiếc áo vàng óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Cảnh thiên nhiên đẹp và rực rỡ thêm lại càng lãng mạn hơn, vì trong cánh rừng bạt ngàn ấy có thêm bóng dáng của một sơn nữ “hái măng một mình”. Đọc tới đây khiến ta liên tưởng đến một hình ảnh tương tự trong thơ Nguyễn Bính, nhà thơ của đồng quê trong phong trào Thơ mới.

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ

Say nhìn ra rặng núi xanh lơ

Khí trời lặng lẽ và trong trẻo

Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.

Đây là khổ thơ thứ nhất trong bài thơ Cô hái mơ. Ta thấy có sự giống nhau rất ngẫu nhiên: cũng là rừng núi và cô gái đang làm việc. Chỉ có điều ở đây là “hái mơ” chứ không phải “hái măng”.

Từ “hái” ở đây dường như không thể thay thế bằng một động từ khác như bẻ, đốn… vì chỉ có nó mới phù hợp với nét dịu dàng, uyển chuyển, mềm mại của cô gái mà thôi. Ta hãy thử tưởng tượng bức tranh mùa hạ như thế này đẹp biết bao! Cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ như thế lại khảm chạm thêm vào hình ảnh một người thiếu nữ nhẹ nhàng làm việc. Quả thật bức tranh vừa đẹp vừa có hồn. Rõ ràng thiên nhiên và con người đã hòa quyện vào nhau, tô điểm cho nhau.

Cuối cùng đoạn thơ kết thúc bằng hình ảnh mùa thu cũng không kém phần đẹp đẽ:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

Câu thơ đã xác định rõ, đây là mùa thu. Thiên nhiên mùa thu được miêu tả bằng ánh trăng. Việc sử dụng hình ảnh trăng thật ra cũng không có gì độc đáo và mới mẻ. Tuy nhiên, đặt vào hoàn cảnh Việt Bắc lúc bấy giờ, ta thấy được niềm mơ ước hòa bình của người cán bộ cũng như toàn dân Việt Bắc. Tất cả đều nói lên niềm tin tưởng chiến thắng sẽ đến với cách mạng, với đất nước.

Câu thơ thiếu cụ thể nên con người ở đây cũng thiếu cụ thể. Từ “ai” nhòa đi để tạo nền cho cả đoạn và cũng nhằm trả lời cho câu hỏi đầu tiên: “Mình về có nhớ ta chăng?”. Tuy hỏi thế nhưng trong lòng họ vẫn biết rằng con người ấy vẫn thủy chung, son sắt. Đây là lời đồng vọng trong tâm hồn của cả người đi và người ở lại.

Qua đây ta thấy bao trùm cả đoạn thơ là tình cảm nhớ thương tha thiết tiếp tục âm hưởng chung của nghệ thuật ca dao. Câu thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, ý nọ gợi ý kia cứ trào lên dào dạt trong lòng người ra đi và người ở lại. Đặc biệt là qua cách xưng hô “mình” với “ta”. Ở đây điệp từ “nhớ” dùng để xoáy sâu vào cảm hứng chủ đạo là hồi ức. Bên cạnh đó, nhạc điệu dịu dàng trầm bổng khiến cả đoạn thơ mang âm hưởng bâng khuâng, êm êm như một khúc hát ru – khúc hát ru kỉ niệm. Có lẽ khúc hát ru này không của ai khác mà là của “ta” và cho người nhận là “mình”. Cả “ta” và “mình” đều cùng chung nỗi nhớ, cùng chung “tiếng hát ân tình” và ân tình sâu nặng ấy mãi còn lưu luyến vấn vương trong những tâm hồn chung thủy.

Có thể nói đây là đoạn thơ hay và có giá trị nhất trong bài Việt Bắc. Cảnh thiên nhiên và con người trong đoạn thơ được miêu tả hết sức tuyệt vời và tươi đẹp tràn ngập sức sống. Và với giọng thơ ngọt ngào, tâm tình khiến đoạn thơ như một bản tình ca về lòng chung thủy, sắt son của người cách mạng đối với nhân dân, quê hương Việt Bắc.

Sau khi đã Phân tích đoạn thơ: “Ta về, mình có nhớ ta… Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” trong bài Việt Bắc các em có thể đi vào Việt Bắc thể hiện rất đậm đà tính dân tộc trong nghệ thuật thơ Tố Hữu hoặc tham khảo Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận mỗi nhà thơ lại có cách khám phá thể hiện riêng. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Tây Tiến và Việt Bắc nhằm củng cố kiến thức của mình.

5. Bài mẫu số 5

Việt Bắc là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu. Lời thơ như khúc hát ân tình tha thiết về Việt Bắc, quê hương của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở đó, bên cạnh cách những bức tranh hùng tráng, đậm chất sử thi về cuộc sống đời thường gần gũi, thân thiết được bao bọc bởi thiên nhiên vô cùng tươi đẹp:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Đây là bức tranh được dệt bằng ngôn từ nghệ thuật toàn bích, có sự hòa quyện giữa cảnh và người, giữa cuộc đời thực với tấm lòng của nhà thơ 1 cách mạng.

Mười câu thơ trên nằm trong trường đoạn gồm 62 câu thơ diễn tả tâm tư tình cảm của người cán bộ sắp sửa rời Việt Bắc, nơi mình đã 15 năm gắn bó với bao tình cảm máu thịt. Đoạn thơ mở đầu bằng một câu hỏi:

Ta về, mình có nhớ ta.

Nhưng thực ra, hỏi chỉ để mà hỏi, hỏi để tạo thêm cái cớ để giải bày nỗi lòng của mình:

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Câu thơ có nhịp điệu êm ái nhờ những điệp từ tạo và các thanh bằng B (6/8) như một lời ru, một câu hát không chỉ diễn tả tâm trạng tha thiết của nhân vật trữ tình. Đây còn là lời ngợi ca về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Trong ngôn ngữ Việt, hoa còn có ý nghĩa biểu trưng về thiên nhiên, về những gì tươi đẹp. Đặt hoa bên cạnh người là sự tôn vinh về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Vả lại hoa và người hòa quyện, gắn bó với nhau. Nói tới thiên nhiên không thể không nói đến con người và ngược lại, những con người ấy đã ở trong một thiên nhiên đẹp gần gũi.

Bốn câu thơ lục bát còn lại là một bức tranh liên hoàn về con người và thiên nhiên Việt Bắc. Nhiều người gọi đây là bộ tứ bình(xuân, hạ, thu, đông). Nhà thơ kế thừa nghệ thuật hội họa cổ truyền của dân tộc trong khi miêu tả thiên nhiên. Mỗi một câu thơ khắc hòa một bức tranh cụ thể nhưng cũng có thể ghép lại thành một bộ liên hoàn.

Bức tranh thứ nhất:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Câu thơ mở ra một không gian rộng lớn. Trên cái nền xanh bạt ngàn của rừng, nổi bật lên hình ảnh những bông hoa chuối đỏ tươi. Nghệ thuật điểm xuyết trong thơ cổ (Cỏ non xanh rợn chân trời – cành lê trắng điểm một vài bông hoa – Nguyễn Du) tỏ ra rất hữu hiệu. Giữa bạt ngàn xanh của núi rừng Việt Bắc, màu đỏ của hoa chuối bỗng gợi lên sự ấm áp, có sức lan tỏa. Vì thế, thiên nhiên hùng vĩ ấy không xa lạ; trái lại, gần gũi, thân thiết với con người:

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Cũng là cách điểm xuyết những hình ảnh điểm nổi rõ hơn cảnh. Hơn nữa, cách điểm xuyết ấy rất độc đáo: càng chọn điểm nhỏ nhất thì sức gợi càng lớn hơn. Vì thế, câu thơ có sự nhấp nháy (nắng ánh) của hình ảnh và cảnh vật vốn tĩnh lặng, thậm chí tịch mịch, bỗng có sức sống, sự chuyền động- Thơ ca là nghệ thuật của thời gian. Với những nghệ sĩ tài hoa đó, việc tạo dựng nên những lớp thời gian chồng lấp và không gian không bất động, bất biến mà ngang sức sống nhờ sự tái sinh của những lớp ngôn từ. Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi, Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng là một câu thơ như thế.

Xem thêm  Mắt kính Coach là của nước nào, được sản xuất ở đâu?

Bức tranh thứ hai:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Khác bức. tranh thứ nhất, bức tranh thơ thứ hai mở đầu có sự định vị về thời gian (Ngày xuân). Nhưng tự thân thời gian ấy cũng đã mở ra không gian:

Ngày xuân mở nở trắng rừng.

Cách điệp âm (mơ / nở; trắng / rừng) cùng với hình ảnh của hoa mơ (màu trắng) tạo ra một không gian vừa rộng lớn, vừa có sự rộn ràng, náo nức của thiên nhiên. Nếu ở bức tranh thơ thứ nhất, nghệ thuật miêu tả của tác giả ở điểm xuyết, tìm hình ảnh gợi, sắc màu sáng (hoa đỏ, nắng ánh để diễn tả sự chuyển động của cảnh vật thì ở đây, nhà thơ lại hướng cái nhìn vào sự bao quát điệp trùng để tìm cái rạo rực (tiềm ẩn) của thiên nhiên.

Trên cái nền không gian rộng lớn và náo nức ấy, nhà thơ hướng mắt nhìn về một hoạt động có vẻ tỉ mỉ:

Người đan nón chuốt từng sợi giang.

Nhiều người nói câu thơ ca ngợi “dáng diệu cần mẫn, cẩn trọng và tài hoa” trong “công việc thầm lặng” của người Việt Bắc. Có người nói “dưới ánh sáng của rừng mơ mùa xuân, hình ảnh cô gái Việt Bắc hiện lên thanh mảnh, dịu dàng”. Câu thơ có hình ảnh ấy. Con người Việt Bắc trong hoài niệm của Tố Hữu là như thế. Nhưng đó là hình ảnh thực. Trong chuồi hoài niệm của tác giả, hình ảnh kia chỉ là một điểm gợi nhớ. Câu thơ gợi lên cách cảm, cách nhìn của tác giả hơn là tả thực. Đó là hình ảnh đặc trưng của sinh hoạt đời thường ở Việt Bắc. Với nhiều người, nó có thể nhỏ nhật, không đáng nhớ. Với một nhà thơ ân tình như Tố Hữu, đó lại là hình ảnh khắc ghi trong tâm khảm.

Bức tranh thứ ba:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Câu thơ mở đầu bằng âm thanh (ve kêu), nhưng cũng là cách định vị bằng thời gian (mùa hè). Dòng thơ vừa có âm thanh rộn ràng, vừa có màu sắc đặc trưng của rừng Việt Bắc. Âm thanh và màu sắc ấy tạo nên cảnh tưng bừng của thiên nhiên. Nếu nói thiên nhiên cũng có đời sống riêng của nó thì đây quả thực là ngày hội của cảnh vật. Vì vậy, trong “ngày hội” ây hình ảnh cô em gái hái măng một mình không lẻ loi mà góp phần tạo nên bức tranh thơ hoàn chỉnh:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Như đã nói, hoa và người Việt Bắc trong thơ Tố Hữu hòa quyện, cùng tôn vinh lẫn nhau. Trong hoài niệm này, tác giả dùng bút lực của mình để ca ngợi, tôn vinh sự hài hòa đó. Và chính sự hài hòa đó đã tạo nên chất thơ. Vì thế, không nên suy diễn, giàu chất tượng trứng với những nét sinh hoạt, lao động của cuộc sống thực.

Bức tranh thứ tư:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Câu thơ có kiểu mở đầu bằng sự định vị cả không gian lẫn thời gian (rừng thu). Đến đây, ta chú ý các kiểu định vị ở những câu thơ trên:

Rừng xanh => không gian.

Ngày xuân => thời gian

Ve kêu => âm thanh (thời gian)

Ứng với mỗi câu thơ và cách định vị trên là một mùa của thiên nhiên (mùa đông, mùa xuân, mùa hạ). Câu thơ này cũng là bức tranh về một mùa của thiên nhiên (mùa thu). Nhưng có lẽ vì đó là bức tranh cuối của bộ tứ bình và là tiếng hát cuối của một trường đoạn hoài niệm nên hình ảnh tất thảy đều trở nên tượng trưng, âm hưởng cũng bao quát hơn:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

Không gian mênh mông chẳng khác gì cảnh thu huyền ảo của thơ mới:

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nghìn thu mới về.

(Huy Cận)

Trời thu nhuộm ánh tà dương

Gió thu trong quãng canh trường nỉ non.

Trăng thu soi bóng cô thôn,

Hỏi người lữ thứ mộng hồn về đâu?

(Hằng Phương)

Rừng thu Việt Bắc trong thơ Tố Hữu mênh mông nhưng không lạnh lẽo. “Trăng rọi hòa bình” vừa mang ý nghĩa ánh trăng của cuộc đời ân tình ấy, lại vừa mang ý nghĩa cuộc sống có sự soi rọi ấm áp của niềm tin, tự do. Và, trong cuộc sống ấm áp ấy, có biết bao nhiêu nghĩa tình sâu nặng.

Thơ Tố Hữu là khúc hát của tự do, của ân tình cách mạng. Bản thân cuộc đời ân tình ấy, đối với nhà thơ, luôn là bài ca sâu nặng. Vì thế, nhà thơ không chỉ cảm, nghĩ về cuộc đời mà cất tiếng ca ngợi. Tiếng hát ân tình thuỷ chung trong bài thơ Việt Bắc là tiếng hát như thế.

Bộ tứ bình bằng thơ về cảnh và người Việt Bắc được dệt dưới ánh sáng của hoài niệm da diết. Thông thường, người ta chỉ nhớ những gì mang ấn tượng nhất của quá khứ và thời gian càng lùi xa thì ấn tượng ấy càng trở nên tươi đẹp, huyền ảo hơn. Hàng loạt điệp từ nhớ (5 từ) trong một thơ như là sự nối dài của lòng hoài niệm không dứt.

Việt Bắc là bài thơ hay của Tố Hữu. Ở đó, nhà thơ thể hiện sự tài hoa của mình trên nhiều phương diện của nghệ thuật sáng tạo thi ca. Sự tài hoa ấy được dẫn dắt của một điệu tâm hồn đầy tình nghĩa của nhà thơ. Đoạn thơ trên là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc bởi kết tinh một nghệ thuật thơ ca vừa giàu tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại trong một điệu tâm hồn say đắm.

6. Bài mẫu số 6

Tố Hữu một nhà thơ xếp thứ hai sau Hồ Chí Minh về thơ ca cách mạng. Chàng thi sĩ ngày nào vẫn còn bâng khuâng đi kiếm lẽ yêu đời với ước nguyện sống sao cho có ích thì nay đã được giác ngộ cách mạng và trở thành một nhà thơ- chiến sĩ xuất sắc trên cả hai lĩnh vực thơ ca và chiến đấu trên mặt trận. Bài thơ Việt Bắc được viết để nói về sự kiện thắng lợi Điện Biên Phủ của nhân dân ta. Chiến sĩ bộ đội phải chia tay với đồng bào Việt Bắc để trở về Hà Nội. Bấy nhiêu thời gian sinh sống và sinh hoạt cùng nhau tình quân dân gắn kết khiến cho cuộc chia ly bịn rịn. Đặc biệt trong bài thơ đoạn thơ “Ta về mình có nhớ ta/…./ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” là đoạn thơ vừa tả cảnh vừa ca ngợi vẻ đẹp của người dân Việt Bắc. Đây là bức tranh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt bốn mùa nơi Việt Bắc yêu dấu.

Bức tranh thiên nhiên ấy mở đầu bằng mùa đông. Không phải tự nhiên nhà thơ lại chọn mùa đông mở đầu cho bức tranh ấy, theo lẽ thường thì xuân hạ thu rồi mới đến đông. Thế nhưng ở đây nhà thơ chọn mùa đông trước vì đây chính là khoảng thời gian mà người cách mạng đến với Việt Bắc:

Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Người cách mạng tự hỏi khi mình về liệu người dân Việt Bắc có nhớ đến mình không. Cách xưng hô mình ta được nhà thơ kế thừa từ trong ca dao dân ca thể hiện sự thân thiết, gần gũi. Người cách mạng trở về xuôi sẽ nhớ cả cảnh và người Việt Bắc. Bức tranh thiên nhiên mùa đông được tô điểm bằng hình ảnh của những bông hoa chuối rừng. Trên nền rừng xanh ngát những bông chuối màu đỏ tươi nở rộ như tô thắm cả một cánh rừng. Nói đến mùa đông người ta thường nghĩ đến những khung cảnh ảm đạm, lạnh lẽo, cây lá rụng cành lìa gốc mà rơi vậy mà ở xưa Việt Bắc này màu sắc lại tươi đẹp đến thế. Trên nền cảnh tươi sáng ấy con người xuất hiện với hình ảnh lao động. Trên đèo cao ánh nắng ban chiếu vào con dao gài ở thắt lưng người Việt Bắc khiến cho con dao sáng lên. Đèo cao đấy, con người nhỏ bé thật đấy nhưng con người vẫn cao hơn đèo. Ở đây ta có thể thấy sự làm chủ thiên nhiên, sự chủ động của người Việt Bắc.

Tiếp theo là bức tranh mùa xuân, nơi Việt Bắc thân yêu của nhà thơ những cảnh vật mùa xuân hiện lên là hoa mơ trắng và người đan nón:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ ai đan nón chuốt từng sợi giang”

Việt Bắc mùa xuân đến hoa mơ trắng nở rộ khắp cánh rừng, nó mang đến cho thiên nhiên một cảnh đẹp nền nã, dịu dàng. Những cánh trắng hoa mơ trước ánh nắng nhẹ nhàng của mùa xuân trở nên tinh khiết và trong trắng làm sao. Người chiến sĩ cách mạng trước cảnh đẹp nên thơ ấy lại nhớ đến hình ảnh người Việt Bắc chăm chỉ kiên trì chuốt từng sợi giang đan nón. Ở đây ta thấy được vẻ đẹp chăm chỉ, bền bỉ và kiến trì của con người Việt Bắc.

Mùa xuân qua đi mùa hạ lại về, hoa mơ được thay thế bằng rừng phách, màu trắng được thay thế bằng màu vàng – màu đặc trưng của mùa hạ. Đặc biệt trong cảnh ngày hè ấy không thể thiếu âm thanh của những dàn đồng ca mùa hạ là tiếng của những chú ve:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ con em gái hái măng một mình”

Nhà thơ sử dụng thật đắt, thật hay từ “đổ”, nối tiếp câu thơ tả cảnh mùa xuân, mùa hè hiện ra như đổ màu vàng thay thế cho cánh rừng hoa mơ trắng. Cánh rừng ấy đang ngả mình đón mùa hè với màu sắc khác biệt, rực rỡ hơn. Người chiến sĩ nhớ người con gái Việt Bắc hái măng một mình. Hai từ “một mình” cho ta thấy sự nguy hiểm luôn dình dập bên cạnh cô gái nhưng đồng thời cũng cho thấy được sự gan góc, dũng cảm của người em gái Việt Bắc.

Cuối cùng là bức tranh mùa thu, bức tranh ấy hiện lên với những hình ảnh của ánh trăng và tiếng hát của người thủy chung:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

Mùa thu là mùa của ánh trăng, nếu trước đây Hồ Chí Minh từng viết:

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Thì nay Tố Hữu đã được “Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Trước đây Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ của đất nước còn lo nỗi nước nhà trước ánh trăng đẹp thì giờ đây ánh trăng nơi Việt Bắc đã là ánh trăng của hòa bình. Ánh trăng ấy mang ánh sáng của niềm tin yêu cuộc sống,của sự ấm no yên bình. Người Việt Bắc hiện lên với những tiếng hát tình nghĩa thủy chúng. Người chiến sĩ và người Việt Bắc có thể tạm thời phải chia li nhưng nhưng trong lòng cả hai bên vẫn luôn nhớ về nhau với những kỉ niệm đẹp.

Có thể nói nhà thơ Tố Hữu đã rất thành công khi vẽ lên một bức tranh thiên nhiên bốn mùa nơi Việt Bắc núi cao, đèo lớn. Những hình ảnh thiên nhiên ấy gắn liền với hai từ Việt Bắc, con người nơi đây hiện lên với những nét đẹp tâm hồn và tính cách chăm chỉ, kiên trì, làm chủ, gan góc, tình nghĩa. Những đức tính ấy cũng góp phần làm nên chiến thắng cho dân tộc ngày hôm nay.

7. Bài mẫu số 7

Tố Hữu luôn viết về lí tưởng, về lẽ sống, lòng trung thành với cách mạng, là một trong những nhà thơ lớn, tiêu biểu nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông là người có tấm lòng yêu dân, yêu nước sâu sắc, vì vậy các sáng tác của ông rất gần gũi với nhân dân. Bài thơ Việt Bắc là một bức tranh trữ tình mà hoành tráng, bao quát cả một không gian toàn bộ Việt Bắc là một bài thơ dài, không phải đoạn nào viết cũng đều tay. Nhưng có những đoạn quả thật là đặc sắc mà ở đó người đọc thấy được vẻ đẹp của ngòi bút Tố Hữu.

Đoạn thơ tả cảnh thiên nhiên hay nhất trong toàn thể bài thơ. Tác giả chỉ dùng 10 câu, tập trung nói đến một chủ đề, nhưng nó đã đạt đến sự toàn bích. Đoạn thơ này có thể chia làm hai phần: phần đầu gồm hai câu đầu và phần còn lại. Phần đầu nó như lời mở đầu đưa đẩy trong cuộc hát giao duyên. Trong đó người con trai (người về xuôi) vừa ướm hỏi lòng người ở lại, vừa khẳng định tình cảm trong lòng mình. Phần sau gồm 8 câu chia thành 4 cặp lục bát.

Trong mỗi câu thơ tác giả đã có sự kết hợp giữa hoa và người. Nó là một bức tranh tứ bình diễn tả họa và người ở Việt Bắc trong bốn mùa bằng những nét đặc trưng nhất của miền này. Có thể nói, cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc tuy được mô tả rải rác trong cả bài thơ nhưng dường như nó được kết tinh vào đoạn này một cách hàm súc, cô đúc nhất.

Mỗi một câu thơ như một lời đối đáp thân tình của cặp đôi trai gái, lời thơ ngọt ngào tha thiết, đi vào lòng người:

“Ta về mình có nhớ ta”

Lời đối đáp nghe thật thắm thiết, quyến luyến của đôi trai gái, nhưng với cách xưng hô ta – mình, mình – ta, khiến cho tình cảm của hai người lại trở nên bình dị, vô tư. Cũng nhờ cách xưng hô này, đôi trai gái lại có điều kiện thoải mái để bày tỏ tình cảm của mình. Ta vẫn chẳng biết mình có nhớ ta không, nhưng ngay cả khi mình không nhớ ta thì ta vẫn cứ nhớ mình. Mà nỗi nhớ mới duyên dáng và tế nhị làm sao:

“Ta về ta nhớ những hoa cùng người”

Người ra về lưu luyến với Việt Bắc không chỉ có cảnh đẹp mà còn cả con người tình nghĩa nơi đây. Trong nỗi nhớ của người đi, hai hình ảnh này là đồng hiện, soi chiếu vào nhau. Hoa là thứ đẹp nhất của thiên nhiên, còn người ta lại là “hoa của đất”. Vì vậy, hễ nhớ đến người thi hiện bóng hoa, hễ nhớ về hoa thì hiện hình người. Hoa và người không thể tách rời. Mà nói với một người con gái, lại nói “hoa cùng người” thì đó chẳng phải là một lời đánh giá kín đáo hay sao?

Hình ảnh đẹp và được tác giả nhắc đến là hình ảnh hết sức bình dị, diễn ra ở mọi nơi trên đất trời Việt Bắc:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Một màu xanh man mác, dấu hiệu của cuộc sống tươi đẹp, tràn trề nhựa sống đang bao trùm không gian, đất trời vùng Việt Bắc. Đó là một màu xanh mênh mông, trầm tĩnh của rừng già. Nó gợi ra hình ảnh một xứ sở êm đềm, lặng lẽ, yên tĩnh. Nhưng trên cái nền xanh ấy, chúng ta nhìn thấy hình ảnh hoa chuối rừng bập bùng cháy như những bó đuốc. Ai đã biết hoa chuối nở, sẽ thấy rằng tuy tác giả viết hai chữ “đỏ tươi” nhưng cũng đủ gợi cho chúng ta biết hoa chuối đã làm sáng lên một góc rừng. Thế là hoa chuối làm cho cảnh rừng trở nên sống động hơn. Đồng thời hình ảnh hoa chuối lại được tô điểm thêm những tia nắng ở câu thứ hai càng làm cho không khí vốn trầm mặc ở nơi này lại trở nên tươi sáng và linh động. Trên nền cảnh ấy, hình ảnh con người xuất hiện:

”Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Đó là hình ảnh những con người lao động của núi rừng Việt Bắc. Họ đang bước lên đèo với một tinh thần lao động miệt mài, không quản khó nhọc. Thiên nhiên cũng như hòa cùng vào niềm vui với những người lao động. Người đứng trên đỉnh đèo cao, ánh nắng chiếu vào lưỡi dao trên thắt lưng, lóe sáng. Nó gợi được một tư thế vững chãi, tự tin của người làm chủ núi rừng. Tố Hữu thường mô tả con người trong những tư thế ấy. Trong bài Lên Tây Bắc tác giả có viết:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo”.

Trong đoạn thơ trên nhà thơ không vẽ kĩ mà chỉ chấm phá vài nét song cũng đủ cho ta hình dung khá rõ nét về hình tượng. Vậy là, tương ứng với một cảnh hoa là một dáng điệu người, mỗi dáng điệu toát lên một phẩm chất của người Việt Bắc.

Mùa xuân ở Việt Bắc thì đẹp lắm, làm say đắm lòng người. Nhưng đi vào thơ ca Tố Hữu thì vẽ đẹp ấy thật đời thường, nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra vẻ đẹp ấy.

“Ngày xuân hoa nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Một màu trắng tinh khiết của hoa mơ đã bao trùm khắp núi rừng Việt Bắc. Hai chữ “trắng rừng” khiển cảnh rừng bừng sáng. Phải nói rằng đây là một hình ảnh có sức ám ảnh lớn đối với hồn thơ Tố Hữu. Việt Bắc trong nỗi nhớ của Tố Hữu dường như không thể thiếu được sắc hoa này. Về sau, trong bài Theo chân Bác, Tố Hữu viết:

“Ôi sáng xuân nay, xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về. Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”

Giữa một không gian bao la tươi đẹp ấy là hình ảnh những người lao động cần cù, đáng quý. Hai chữ “chuốt từng” gợi ra được dáng điệu cần mẫn, cẩn trọng và tài hoa. Không gì người đan nón kia gửi vào từng sợi giang nỗi niềm gì, ước mơ gì?

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Bức tranh thiên nhiên tác giả nói đến không chỉ thấy màu sắc, đường nét và ánh sáng, mà chúng ta còn nghe thấy được âm thanh của rừng, đó là tiếng nhạc ve. Nhạc ve làm cho không khí trở nên xao động. Phải nói rằng trong các bức tranh ở đây thì Việt Bắc mùa hè là đặc sắc hơn cả. Trong câu thơ, chúng ta thấy dường như có một có một phản ứng dây chuyền chạy từ đầu đến cuối câu thơ. Ve kêu gọi hè đến, hè đến làm cho những rừng phách ngả sang màu vàng. Ai đã lên Việt Bắc, dễ thấy hình ảnh kỳ lạ của những cánh rừng phách vẫn là màu xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong những kẽ lá. Nhưng khi những tiếng ve đầu tiên của mùa hè cất lên thì chúng đồng loạt trổ hoa vàng. Chỉ có một vài ba ngày mà những rừng phách đã lênh láng sắc vàng. Chữ “đổ” là một chữ tinh tế. Nó nhấn mạnh khía cạnh mau lẹ trong việc biến đổi màu sắc, đồng thời diễn tả những trận mưa hoa vàng rừng phách mỗi khi có một luồng gió ào qua. Rõ ràng, gam màu đến đây đã thay đổi hẳn, sắc trắng đã nhường chỗ hẳn cho sắc vàng. Dường như âm thanh đã làm biến đổi thay màu sắc. Trên nền cảnh ấy xuất hiện một hình ảnh lao động đầy kiên nhẫn của một cô gái Việt Bắc: “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Hình ảnh này làm toát lên dáng điệu chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm, giàu đức hi sinh. Bao bọc lên hình ảnh này dường như chúng ta thấy sự cảm thương kín đáo của người viết.

Xem thêm  Bảng giá xe máy hãng Honda tháng 2/2024 mới nhất

Ngày ở Việt Bắc đã đẹp, đêm trăng mới tĩnh mịch, thơ mộng làm sao. Bức tranh vẽ ra những ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành một khung cảnh huyền ảo:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình”.

Tác giả đã tái hiện lên cảnh đêm trăng trên núi rừng Việt Bắc, của những đêm hòa bình, không có bóng giặc, tạo cho dân làng cuộc sống yên bình. Đây đúng là khung cảnh hữu tình dành cho những cuộc hát giao duyên. Cho nên nó cũng là cảnh cuối cùng:

“Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Chữ “ai” là cách nói bóng gió, ám chỉ người đang hát cùng với mình, làm cho lời lẽ trở nên tình tứ hơn. Và qua tiếng hát chúng ta thấy được phẩm chất ân tình, chung thủy của người Việt Bắc.

Với những từ ngữ hết sức bình dị, lời thơ du dương Tố Hữu đã tái hiện lại những gì là đặc trưng nhất của quê hương cách mạng. Đó là tình yêu của tác giả với căn cứ quan trọng của cuộc cách mạng. Chính nơi thơ mộng này đã nuôi dưỡng và rèn luyện những người con của cách mạng, làm cho họ thấm nhuần lý tưởng cách mạng và thêm yêu đất nước quê hương, làm động lực để tiếp tục đứng lên chống lại bom đạn của kẻ thù.

8. Bài mẫu số 8

“Việt Bắc” – bài thơ lục bát mang tầm vóc một trường ca dài 150 câu thơ, cảm xúc dâng lên mênh mông dào dạt. Bài thơ ra đời vào tháng 10 năm 1054, ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội. Qua bài thơ, Tố Hữu nói lên một cách thiết tha mặn nồng mối tình Việt Bắc, mối tình cách mạng và kháng chiến.

Đoạn thơ 10 câu dưới đây trích từ câu 43 đến câu 52 trong bài thơ “Việt Bắc” nói lên bao nỗi nhớ vô cùng thắm thiết thủy chung đối với Việt Bắc:

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Hai câu thơ đầu là lời hỏi – đáp của “ta”, của người cán bộ kháng chiến về xuôi, ta hỏi mình “có nhớ ta”. Dù về xuôi, dù xa cách nhưng lòng ta vẫn gắn bó thiết tha với Việt Bắc: “Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”. Chữ “ta”, chữ “nhớ” được điệp lại thể hiện một tấm lòng thủy chung son sắt. Nỗi nhớ ấy hướng về “những hoa cùng người”, hướng về thiên nhiên núi rừng Việt Bắc và con người Việt Bắc thân yêu:

“Ta về, mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”.

Hai chữ “mình – ta” xuất hiện ở tần số cao trong bài thơ, cũng như ở trong hai câu thơ này đã thể hiện một cách rất đẹp tình cảm lứa đôi hòa quyện trong mối tình Việt Bắc, đồng thời làm cho giọng thơ trở nên thiết tha bồi hồi như tiếng hát giao duyên thuở nào. Đó là sắc điệu trữ tình và tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.

Tám câu thơ tiếp theo, mỗi cặp lục bát nói lên một nỗi nhớ cụ thể về một cảnh sắc, một con người cụ thể trong 4 mùa đông, xuân, hè, thu.

Nhớ mùa đông nhớ màu “xanh” của núi rừng Việt Bắc, nhớ màu “đỏ tươi” của hoa chuối như những ngọn lửa thắp sáng rừng xanh. Nhớ người đi nương đi rẫy “dao gài thắt lưng” trong tư thế mạnh mẽ hào hùng đứng trên đèo cao “nắng ánh…”. Con dao của người đi nương rẫy phản quang “nắng ánh” rất gợi cảm:

“Rừng xanh, hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.

Màu “xanh” của rừng, màu “đỏ tươi” của hoa chuối, màu sáng lấp lánh của “nắng ánh” từ con dao; màu sắc ấy hòa hợp với nhau, làm nổi bật sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của thiên nhiên Việt Bắc, của con người Việt Bắc đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời trong kháng chiến.

Tố Hữu đã có một cái nhìn phát hiện về sức mạnh tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân ta do cách mạng và kháng chiến mang lại. Người lao động sản xuất thì hào hùng đứng trên “đèo cao” ngập nắng và lộng gió. Đoàn dân công đi chiến dịch thì “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”. Người chiến sĩ ra trận mang theo sức mạnh vô địch của thời đại mới:

“Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”.

(“Lên Tây Bắc”)

Nhớ ngày xuân Việt Bắc là nhớ hoa mơ “nở trắng rừng”. Chữ “trắng” là tính từ chỉ màu sắc được chuyển từ loại thành bổ ngữ “nở trắng rừng”, gợi lên một thế giới hoa mơ bao phủ khắp mọi cánh rừng Việt Bắc màu trắng thanh khiết mênh mông và bao la. Cách dùng từ tài hoa của Tố Hữu gợi nhớ trong lòng ta câu thơ của Nguyễn Du tả một nét xuân thơ mộng, trinh bạch trong “Truyện Kiều”:

“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Nhớ “mơ nở trắng rừng”, nhớ người thợ thủ công đan nón “chuốt rừng sợi giang”. “Chuốt” nghĩa là làm bóng lên những sợi giang mỏng mảnh. Có khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ mới có thể “chuốt từng sợi giang” để đan thành những chiếc nón, chiếc mũ phục vụ kháng chiến, để anh bộ đội đi chiến dịch có “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Người đan nón được nhà thơ nói đến tiêu biểu cho vẻ đẹp tài hoa, tính sáng tạo của đồng bào Việt Bắc. Mùa xuân Việt Bắc thật đáng nhớ:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng,
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.

Nhớ về Việt Bắc là nhớ mùa hè với tiếng ve kêu làm nên khúc nhạc rừng, là nhớ màu vàng của rừng phách, là nhớ cô thiếu nữ đi “hái măng một mình” giữa rừng vầu, rừng nứa, rừng trúc:

“Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình”.

Một chữ “đổ” tài tình. Tiếng ve kêu như trút xuống “đổ” xuống thúc giục ngày hè trôi nhanh, làm cho rừng phách thêm vàng. Xuân Diệu cũng có câu thơ sử dụng chữ “đổ” chuyển cảm giác tương tự: “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá…” (Thơ duyên – 1938). Câu thơ “Nhớ cô em gái hái măng một mình” là câu thơ đặc sắc, giàu vần điệu, thanh điệu. Có vần lưng: “Gái” vần với “hái”. Có điệp âm qua các phụ âm “m”: “măng – một – mình”. Đây là những vần thơ nên họa nên nhạc, tạo nên một không gian nghệ thuật đẹp và vui, đầy màu sắc âm thanh.

“Cô em gái hái măng một mình” vẫn không cảm thấy lẻ loi, vì cô đang lao động giữa nhạc rừng, hái măng để góp phần “nuôi quân” phục vụ kháng chiến. Cô gái hái măng là một nét trẻ trung, yêu đời trong thơ Tố Hữu.

Nhớ mùa hè rồi nhớ mùa thu Việt Bắc, nhớ khôn nguôi, nhớ trăng ngàn, nhớ tiếng hát:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

Trăng xưa “vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân”. Trăng Việt Bắc trong thơ Bác Hồ là “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Người cán bộ kháng chiến về xuôi nhớ vầng trăng Việt Bắc giữa rừng thu, trăng “rọi” qua tán lá rừng xanh, trăng thanh mát rượi màu “hòa bình” nên thơ. “Ai” là đại từ nhân xưng phiếm chỉ, “nhớ ai” là nhớ về tất cả, về mọi người dân Việt Bắc giàu tình nghĩa thủy chung, đã hy sinh quên mình cho cách mạng và kháng chiến.

Đoạn thơ trên đây dào dạt tình thương mến. Nỗi thiết tha bồi hồi như thấm sâu vào cảnh vật và lòng người, kẻ ở người về, mình nhớ ta, ta nhớ mình. Tình cảm ấy vô cùng sâu nặng biết bao ân tình thủy chung. Năm tháng sẽ qua đi, những tiếng hát ân tình thủy chung ấy mãi mãi như một dấu son đỏ thắm in đậm trong lòng người.

Đoạn thơ mang vẻ đẹp một bức tranh tứ bình đặc sắc, đậm đà phong cách dân tộc. Mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là mùa đông năm 1946, đến mùa thu tháng 10 – 1954, thủ đô Hà Nội được giải phóng – Tố Hữu cũng thể hiện nỗi nhớ Việt Bắc qua bốn mùa: đông – xuân – hè – thu, theo dòng chảy lịch sử. Mỗi mùa có một nét đẹp riêng dạt dào sức sống: màu xanh của rừng, màu đỏ tươi của hoa chuối, màu trắng của hoa mơ, màu vàng của rừng phách, màu trắng xanh hòa bình.

Thiên nhiên Việt Bắc trong thơ Tố Hữu rất hữu tình, mang vẻ đẹp cổ điển. Con người được nói đến không phải là ngư, tiều, canh, mục mà là người đi nương đi rẫy, là người đan nón, là cô em gái hái măng, là những ai đang hát ân tình thủy chung. Tất cả đều thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của đồng bào Việt Bắc: cần cù, làm chủ thiên nhiên và làm chủ cuộc đời trong lao động, kiên nhẫn, khéo léo, tài hoa, trẻ trung lạc quan yêu đời, ân tình thủy chung với cách mạng và kháng chiến.

Một giọng thơ ngọt ngào, tha thiết bồi hồi cứ quyện lấy tâm hồn người đọc. Nỗi nhớ được nói đến trong “Việt Bắc” cũng như trong đoạn thơ này cho thấy một nét đẹp trong phong cách thơ Tố Hữu: chất trữ tình công dân và tính dân tộc, màu sắc cổ điển và tính thời đại được kết hợp một cách hài hòa.

Hình tượng đẹp, phong phú, gợi cảm. Một không gian nghệ thuật đầy sức sống, với những đường nét, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, cấu trúc cân xứng hài hòa, để lại trong tâm hồn ta một ấn tượng sâu sắc như Bác Hồ đã viết: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay…”

Thơ đích thực “là ảnh, là nhân ảnh…, từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la” (Nguyễn Tuân). Đoạn thơ trên đây gợi lên trong lòng ta tình mến yêu Việt Bắc, tự hào về đất nước và con người Việt Nam. Đoạn thơ “nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp”, để ta thương, ta nhớ về mối tình Việt Bắc, mối tình kháng chiến.

9. Bài mẫu số 9

Lịch sử dân tộc không ít những trang viết bằng thơ. Một trong những trang viết tiêu biểu ấy là thơ Tố Hữu – một nhà thơ lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ta bắt gặp trong thơ Tố Hữu chặng đường cách mạng của dân tộc. Các sự kiện, các dấu mốc của lịch sử Việt Nam suốt hơn nửa thế kỉ từ khi Đảng ra đời đến sau chiến thắng mùa xuân 1975 được ông ghi lại trong những vần thơ trữ tình cách mạng tha thiết. Việt Bắc là một trong số đó. Bài thơ ghi lại sự kiện Đảng và Nhà nước chuẩn bị rời Việt Bắc về Hà Nội sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Trong bài thơ của mình, Tố Hữu đã thể hiện những tình cảm tha thiết của người đi – kẻ ở, thể hiện những cảm nhận sâu sắc của tác giả về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Điều này được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ:

Ta về mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung

Đoạn thơ là một bức tranh Việt Bắc qua bốn mùa và hàm chứa một nỗi nhớ nhung da diết cũng như biểu lộ tấm lòng chung thủy của tác giả nói riêng cũng như người cán bộ nói chung đối với Việt Bắc.

Hai câu đầu của đoạn thơ là lời hỏi và kể của người ra đi, muốn biết lòng người ở lại như thế nào và tự bộc lộ tấm lòng mình. Tám câu tiếp theo vẽ nên thiên nhiên Việt Bắc đầy thơ mộng và con người Việt Bắc đầy thân thương qua lời của người đi. Đầu tiên mùa đông xuất hiện với những bông chuối đỏ rực trên nền rừng xanh thẫm của những buổi hoàng hôn và hình ảnh con người lao động vui tươi. Tiếp đến là mùa xuân rực rỡ màu trắng của mơ và hình ảnh người đan nón. Rồi mùa hạ đến đầy màu vàng của rừng phách và đầy âm thanh của tiếng ve. Con người lại xuất hiện dưới hình ảnh cô gái một mình đang hái măng. Kết thúc là rừng thu ngập ánh trăng và không gian ngập tiếng hát. Cứ mỗi câu thơ tả thiên nhiên lại có một câu thơ tả con người, con người hoà quyện trong thiên nhiên nhưng không chìm trong thiên nhiên và luôn ở tư thế lao động, chủ động, thiên nhiên là nền nâng con người, tô điểm cho con người.

Có thể nói đây là một đoạn thơ với nhiều nghệ thuật tinh tế, tình cảm chân thực, xứng đáng là đoạn thơ hay nhất trong bài Việt Bắc. Ngay từ câu mở đầu, lời của người đi đã có một sức truyền cảm đặc biệt nhờ tính mộc mạc chân thực của nó. Câu thơ chỉ như một câu nói bình thường nhưng lại rất chân thành làm người đối diện xúc động. Nó đơn giản song lại da diết, thể hiện được sự mong mỏi của người đặt câu hỏi muốn biết tình cảm người kia dành cho mình cũng như một ước mong: hãy nhớ tôi nhé! Như muốn chứng tỏ tình cảm của mình người đặt câu hỏi lại kể hàng loạt những kỉ niệm về cảnh, về người:

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Cái đẹp của câu thơ là hình ảnh hoa cùng người, bởi chăng con người cũng là một bông hoa trong vườn hoa sự sống. Hình ảnh tạo nên nét hài hoà giữa thiên nhiên và con người, hoa và người tôn vẻ đẹp của nhau. Bốn câu lục bát sau tả bức tranh bốn mùa với những hình ảnh, màu sắc tươi tắn và âm thanh rộn ràng. Dù là mùa đông hay mùa hạ, mùa xuân hay mùa thu, tất cả đều có màu tươi vui. Màu đỏ của hoa chuối làm cho mùa đông bớt lạnh. Màu trắng của hoa mơ và màu vàng của rừng phách càng tôn thêm vẻ rực rỡ của thiên nhiên một sự êm ả, thơ mộng và cảm giác thanh bình cho lòng người. Tất cả những đường nét đó vẽ nên bức tranh tứ bình đặc sắc bởi lời thơ mềm mại. Song nếu chỉ là bức tranh thì chưa đủ bởi thiếu âm thanh thiên nhiên Việt Bắc: Ta về, ta nhớ những hoa cùng người, không thiếu âm thanh, còn có tiếng ve kêu mùa hạ và tiếng hát của con người. Tác giả chọn tiếng ve là một sự lựa chọn hợp lí và mang tính tiêu biểu. Bởi ở Việt Nam, nói đến tiếng ve là người ta nghĩ ngay đến mùa hè. Tiếng ve rả rích tuy bình thưởng nhưng là một biểu tượng bằng âm thanh cho mùa hạ với màu vàng rất riêng của Việt Bắc tạo nên một sự kết hợp nghe – nhìn đặc biệt làm cho bức tranh mùa hạ vừa có nét riêng của Việt Bắc vừa có nét chung của đất nước. Phải chăng dụng ý của tác giả là để từ đó, dù mai sau có ở đâu, khi nghe tiếng ve kêu, ai cũng có thể liên tưởng và nhớ lại Việt Bắc? Vậy là thiên nhiên Việt Bắc, chỉ qua vài câu thơ đã được miêu tả đầy đủ và mang tính cách riêng độc đáo với hình ảnh và âm thanh chọn lọc khéo léo.

Trên nền thiên nhiên tuyệt đẹp đó, con người hiện ra trong tư thế chủ động và đầy sức sống. Bốn câu bát nói về con người cũng rất tinh tế và tình cảm. Tác giả chọn lọc phác họa những hình ảnh con người lao động thấp thoáng nhưng đủ sức gợi. Đó là hình ảnh người đi rẫy, đan nón, hái măng, hay kín đáo hơn một tiếng hát khi lao động hay trong một đêm sinh hoạt văn nghệ. Hình ảnh nắng ánh dao gài thắt lưng rất đặc trưng khoẻ khoắn và vui tươi. “Nắng” như tiếp thêm sự sống động cho con người chứ không mang vẻ gay gắt. Khi nhớ về hình ảnh người đan nón, tác giả gián tiếp bày tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp của Việt Bắc cho kháng chiến. Một cách bày tỏ kín đáo và tế nhị! Kí ức về cô em gái hái măng rất tình cảm bởi cách sử dụng từ “cô em gái” một cách trìu mến. Hơn nữa cảnh thiên nhiên thật rực rỡ, tươi đẹp, đầy âm thanh và màu sắc sống động. Cuối cùng, kỉ niệm về tiếng hát gây cho người đối thoại của nhân vật trữ tình xưng “ta” cũng như cả người đọc sự xúc động thật sự. Bởi tiếng hát xuất phát từ tâm hồn và tiếng hát “ân tình thuỷ chung” theo người đi là một kỉ niệm, một tình cảm êm dịu và lâu dài. Tiếng hát ấy phải chăng cũng chính là tâm hồn của tác giả.

Tố Hữu có biệt tài chọn lọc hình ảnh và phối hợp ánh sáng rất độc đáo. Ông có một tâm hồn nhạy cảm và có khả năng truyền cảm xúc của mình cho người khác. Chẳng hạn như chỉ với hai câu thơ:

Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.

Cũng đủ khiến cho người đọc có cảm giác như mình đang ở Ba Lan thật sự. Tâm hồn Tố Hữu say mê và mạnh mẽ nhưng cũng rất sâu lắng và thủy chung. Với Tố Hữu, chính trị là một nguồn thơ thực sự, ông say mê sống với lí tưởng cách mạng và với niềm tin chân thật, ông muốn mang lí tưởng đó đến cho mọi người, ông thực hiện điều đó bằng tài năng thi ca của mình. Một điều đáng tiếc là những tập thơ sau này của ông như Ra trận, Máu và hoa có phần trở nên khô khan, đôi khi mang nặng tính triết lí và giáo huấn. Tuy nhiên, đoạn thơ vừa được phân tích ở trên là một bằng chứng hùng hồn cho tài năng sáng tạo của ông. Với tôi, đoạn thơ thực sự là một điểm son trong những sáng tác của Tố Hữu mang đậm tính dân tộc và cảm xúc chân thực.

Nguồn: thtrangdai.edu.vn

Chuyên mục: Blog

Viết một bình luận