Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm viết về một người phụ nữ rất đặc biệt trong văn học trung đại Việt Nam. Qua việc phân tích lời thoại của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, ta có thể hiểu sâu hơn về số phận cũng như những phẩm chất cao đẹp và truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa.
I. Dàn Ý Phân Tích Lời Thoại Của Vũ Nương Trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.
– Dẫn dắt đến vấn đề cần phân tích: Lời thoại của Vũ Nương trong tác phẩm.
2. Thân bài:
a. Khi tiễn chồng đi lính:
– Vũ Nương bộc bạch nỗi lòng của mình bằng những lời nói dịu dàng, tình cảm, yêu thương dành cho người chồng.
+ Nàng không mong chồng được phong quan, làm tướng, nàng chỉ mong cầu chồng trở về bình yên.
+ Cảm thông sự vất vả, gian lao của người chồng: “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường…”.
+ Nhớ thương khắc khoải: “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú…”.
b. Khi bị chồng nghi oan:
– Vũ Nương hết mực phân trần: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”.
→ Những lời nói bi thương của nàng khẳng định tấm lòng thuỷ chung nhất mực của nàng và mong muốn hóa giải những hiềm khích, hiểu lầm.
– Khi chồng nhất quyết không tin, Vũ Nương đau đớn mà nói: “… Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan…đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”.
→ Thể hiện nỗi thất vọng cùng cực của Vũ Nương khi bị chồng con ruồng bỏ.
– Vũ Nương gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh tấm lòng trong sạch: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, phải tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám”.
→ Nỗi thất vọng đến cùng cực đau khổ của Vũ Nương khi bị nghi oan là thất tiết và bị dồn tới đường cùng phải lấy cái chết để minh oan cho chính mình.
c. Khi gặp Phan Lang
– Khi nghe Phan Lang kể về quê cũ, Vũ Nương đã “ứa nước mắt”, bởi nàng là một người con gái thuỷ chung, son sắt, luôn một lòng hướng về quê cũ, về gia đình .
– Nàng đã “quả quyết đổi giọng” mà rằng: “Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất có người tìm về”.
→ Điều này cho thấy khát vọng được trở về, được minh oan của nàng, nó còn cho thấy nàng rất trọng tình nghĩa và danh dự.
d. Ở bến Hoàng Giang:
– Khi được Trương Sinh giải oan, Vũ Nương đã hiện lên và nói rằng: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”:
+ Nàng chọn ở lại thuỷ cung cùng Đức Linh Phi: cho thấy nàng là một người trọng tình nghĩa, luôn biết ơn ân nhân của mình.
+ Nàng còn cảm tạ cả Trương Sinh – kẻ gây ra nỗi oan cho nàng: thể hiện đức tính vị tha của người phụ nữ Việt Nam.
3. Kết bài:
– Cảm nghĩ về Vũ Nương
– Khẳng định giá trị của tác phẩm.
II. Bài Văn Mẫu Phân Tích Lời Thoại Của Vũ Nương Trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương (Chuẩn)
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong hai mươi câu chuyện thuộc tác phẩm “Truyền kì mạn lục” của nhà văn Nguyễn Dữ. Câu chuyện kể về cuộc đời của người con gái mang tên Vũ Nương- một người con gái đức hạnh, nết na nhưng lại phải chịu số phận oan trái, hẩm hiu. Thông qua những lời thoại của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, nhà văn Nguyễn Dữ đã để nhân vật của mình bộc lộ trọn vẹn những đức tính, phẩm hạnh tốt đẹp và cả số phận trớ trêu, trái ngang.
Vũ Nương là người con gái ở đất Nam Xương, nàng xinh đẹp, “nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” nên được Trương Sinh cùng mẹ “đem trăm lạng vàng cưới về”. Xinh đẹp, đức hạnh là vật nhưng nàng lại không thể tự quyết định số phận cho chính bản thân mình. Chồng Vũ Nương là Trương Sinh, tuy là “con nhà hào phú” nhưng lại “ít học” và có tính “đa nghi”. Hiểu tính cách của chồng nên từ khi lấy chồng, Vũ Nương luôn là người phụ nữ giữ gìn khuôn phép trong gia đình, luôn giữ trọn đạo làm vợ, làm con. Cho đến khi Trương Sinh bị bắt đi lính đánh Chiêm, Vũ Nương khi tiễn chồng mới lần đầu bộc bạch nỗi lòng của mình: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Vũ Nương sinh ra là “con kẻ khó”, vậy mà mỗi lời nàng nói ra khi tiễn chồng đều chứa đựng sự nề nếp, gia giáo của một vị tiểu thư đài các. Nàng biết chồng đi phải đi lính xa nhà nhưng lại chẳng mong cầu vinh hiển, chỉ mong cầu bình an cho chồng . Nếu là lẽ thường, hẳn Vũ Nương phải mong đợi chồng làm được những điều lớn lao, để được ban thưởng, phong tước, để nàng và gia đình được rạng danh nhưng Vũ Nương lại chỉ mong chờ sự bình yên trở về của người chồng. Điều đó cho thấy Vũ Nương là một người phụ nữ rất coi trọng hạnh phúc gia đình, coi trọng tình nghĩa vợ chồng hơn danh hoa phù phiếm.
Không chỉ vậy, nàng còn cảm thông sâu sắc với nỗi vất vả mà người chồng phải chịu đựng khi đi lính xa nhà “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian nan, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng”. Có thể nói rằng Vũ Nương quả là một người phụ nữ hết mực chu toàn, hết mực lo lắng cho chồng con. Trong lời tiễn dặn chồng, Vũ Nương đã thể hiện nỗi nhớ thương khắc khoải khôn nguôi của một người chinh phụ yêu chồng tha thiết: “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Trong lời nói tiễn biệt của mình, Vũ Nương chỉ dám xưng mình là “tiện thiếp”, thấp bé, nhỏ nhoi trước người chồng của mình. Những lời nàng nói ra đều chứa chan sự dịu dàng, yêu tha thiết, hết mực người chồng của mình. Lời dặn dò ấy xuất phát từ một trái tim của người phụ nữ giàu lòng yêu thương chồng, biết chấp nhận những phút giây thử thách, biết đợi chờ thuỷ chung để người đi xa yên lòng. Những lời nói của Vũ Nương còn cho ta thấy được những khát vọng rất đỗi bình dị, đời thường của một người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Đoạn đối thoại thứ hai của Vũ Nương là khi nàng bị chồng nghi oan “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu… Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót…”. Đây là những lời nói đầy bi thương của Vũ Nương để phân trần, để khẳng định tấm lòng thuỷ chung của nàng. Ba năm Trương Sinh đi lính là ba năm Vũ Nương một mình sinh con, lo cho con, cho mẹ già. Chính người mẹ chồng già khi lìa đời cũng đã công nhận công lao to lớn của nàng. Ấy vậy mà người chồng lại chỉ vì một lời nói không rõ của con trẻ mà nghi ngờ nàng thất tiết. Từng lời nàng bày tỏ là những lời chân thành hết mực, giãi bày hết những tâm tư trong lòng, nàng cũng hiểu rằng mình là con kẻ nghèo khó, vậy nên nàng chỉ mong người chồng của mình có thể hiểu thấu tấm lòng nàng mà hàn gắn lại hạnh phúc của gia đình.
Khi Trương Sinh nhất mực “đuổi đánh nàng đi”, Vũ Nương trong sự bi phẫn, đau khổ đã “bất đắc dĩ” mà nói rằng: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sẽ rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Đoạn đối thoại này của nàng là dành cho Trương Sinh. Nàng đã nói lên sự thất vọng đau đớn khôn cùng của một người vợ nhất mực thuỷ chung nhưng lại bị nghi oan là “thất tiết”. Đó cũng là sự tuyệt vọng đến vô cùng của một người phụ nữ khi niềm hạnh phúc nàng vun vén cả đời bị vỡ nát. Sự thuỷ chung, nỗi nhớ thương khi chờ chồng, tất cả đã trở thành hư vô! Nói rồi, Vũ Nương quyết định gieo mình xuống bến Hoàng Giang mà tự vẫn. Trước khi trầm mình nàng đã thề với trời rằng: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, phải tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám…”. Đây là nỗi lòng của nàng, đó còn là một lời nguyền xin thần sông chứng giám cho tấm lòng chung thuỷ, tiết hạnh của nàng. Lời thoại này còn bày tỏ sự thất vọng đến cùng cực đau khổ của Vũ Nương khi bị nghi oan là “hư thân” và bị dồn tới đường cùng phải lấy cái chết để minh oan cho chính mình. Trong đoạn đối thoại của Vũ Nương khi bị chồng nghi oan, ta có thể thấy được tấm lòng thuỷ chung, đức hạnh, nết na của nàng. Dù bị Trương Sinh nghi ngờ, mắng nhiếc, đánh đuổi thế nhưng mỗi lời nàng nói ra để phân trần đều rất chân thành, dịu dàng, không hề một lời oán thán, trách cứ người chồng đa nghi bội bạc. Nhưng qua lời nói của nàng, ta cũng thấy được hình ảnh của một người phụ nữ nhất mực dịu dàng nhưng cũng vô cùng trọng danh dự, quyết lấy cái chết để minh chứng cho tấm lòng trong sạch của mình. Đó là những đức tính mang giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến đương thời.
Sau khi Vũ Nương trầm mình xuống Hoàng Giang, nàng đã được Đức Linh Phi cứu sống và trong cơ duyên, nàng gặp Phan Lang – một người cùng làng với mình. Khi nghe những lời Phan Lang nói nơi thuỷ cung, Vũ Nương đã động lòng. Bởi trong thâm tâm của nàng, nàng vẫn son sắt một lòng hướng về gia đình và quê cũ. Nàng luôn mong mỏi được tìm về, được minh oan, điều đó đã chứng minh cho một người phụ nữ với tính cách thuỷ chung, sắt son, luôn coi trọng danh dự, phẩm chất của mình: “Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất có người tìm về”.
Đoạn đối thoại cuối cùng của Vũ Nương là khi nàng trở về sau khi được giải oan ở bến Hoàng Giang: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Câu nói này đã cho thấy được cách sống vô cùng tình nghĩa của Vũ Nương. Nàng nợ ơn cứu mạng của Đức Linh Phi và luôn mang điều đó trong lòng, vậy nên nàng lựa chọn ở lại thuỷ cung cho trọn lời thề đã nói. Còn với Trương Sinh – kẻ đã gây nên mọi đau khổ của cuộc đời nàng, đáng lẽ ra nàng phải hận người đàn ông bội bạc ấy, thế nhưng Vũ Nương lại sẵn sàng tha thứ cho hắn, thậm chí còn “đa tạ” tình cảm của hắn nữa. Vậy mới thấy Vũ Nương là một người phụ nữ luôn sống tình nghĩa, biết ơn ân nhân của mình và giàu sự vị tha.
Thông qua những đoạn đối thoại của nhân vật Vũ Nương, ta có thể thấy được vẻ đẹp truyền thống của những người phụ nữ Việt Nam như thuỷ chung, dịu hiền, trọng danh dự, sống tính nghĩa và giàu sự vị tha. Thế nhưng số phận của nàng lại vô cùng thương tâm, đau khổ, bị nghi oan đến mức phải dùng cái chết của mình để chứng minh sự trong sạch. Vũ Nương chính là đại diện tiêu biểu cho số phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Và câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương sẽ luôn là một trong những tác phẩm trung đại về người phụ nữ hay và chân thực nhất!
Nguồn: thtrangdai.edu.vn
Chuyên mục: Blog