“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những vở kịch mang giá trị nhân văn sâu sắc. Phân tích các xung đột kịch trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt sẽ giúp các em hiểu được những xung đột chính của vở kịch, từ đó hiểu rõ hơn về giá trị của tác phẩm cũng như những thông điệp sâu sắc được gửi gắm trong đó.
I. Dàn Ý Phân Tích Xung Đột Kịch Trong Vở Kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Lưu Quang Vũ, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và xung đột trong vở kịch.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả Lưu Quang Vũ và vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”:
– Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường Việt Nam. Ông có phong cách nghệ thuật sáng tạo ở sự kết hợp giữa tính hiện đại vào các giá trị truyền thống.
– Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được sáng tác năm 1981 và là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước.
b. Xung đột kịch ở cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt:
– Nguyên nhân xung đột: Hồn Trương Ba nhập vào xác của hàng thịt, từ đó có những phiền toái, hệ lụy mà bản thân Trương Ba cũng thấy phức tạp dẫn đến mâu thuẫn bên trong của mỗi con người.
– Diễn biến:
+ Xác hàng thịt chiếm ưu thế vì linh hồn Trương Ba phải sống nương nhờ trong thân xác người hàng thịt.
+ Linh hồn Trương Ba chịu sự tác động, chi phối của thể xác.
+ Xác người hàng thịt tuy là thể xác âm u đui mù nhưng có nhu cầu, tiếng nói riêng, có sức mạnh để thực hiện những nhu cầu của bản thân.
– Kết quả: Sự thắng thế của thể xác là sự đuối lí của tâm hồn.
– Ý nghĩa:
+ Cuộc đấu tranh giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt là một ẩn dụ cho cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác trong mỗi con người.
+ Cần có sự hài hòa, thống nhất giữa hồn và xác, đừng bỏ bê thể xác để chỉ biết đến một thứ linh hồn chung chung, trừu tượng.
c. Xung đột kịch ở cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân:
– Nguyên nhân xung đột:
+ Do Trương Ba nhập vào xác hàng thịt gây ra nhiều phiền toái, hệ lụy.
+ Do sự thay đổi của Trương Ba trước và sau khi chết dẫn đến sự thất vọng cho mọi người.
– Diễn biến:
+ Trương Ba và vợ: Vợ nhận thấy Trương Ba hoàn toàn thay đổi, không còn quan tâm đến những người hàng xóm và những người thân trong gia đình khiến cho vợ phải quyết định bỏ đi. Trương Ba hiểu đầy đủ lời vợ nói nhưng bế tắc hoàn toàn.
+ Trương Ba và cái Gái: Gái từ chối nhận Trương Ba làm ông nội, nó nhận ra Trương Ba thô lỗ, phũ phàng.
+ Trương Ba với con dâu: Con dâu có cái nhìn thương cảm, là người biết sẻ chia và thấu hiểu bi kịch bố chồng gặp phải. Trương Ba đau khổ cùng cực, muốn giải thoát.
– Ý nghĩa:
+ Bi kịch được đẩy lên nấc thang cao nhất đòi hỏi phải được giải quyết.
+ Người trong gia đình đến ngoài xã hội cũng không chấp nhận được sự thay đổi của Trương Ba cho nên kết quả của bi kịch dẫn đến là tất yếu.
d. Xung đột kịch ở cuộc đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích:
– Nguyên nhân xung đột: Trương Ba nhận ra ông không phù hợp trong thân xác của hàng thịt.
– Diễn biến:
+ Trương Ba không thể dung hòa được linh hồn với thể xác, ông đốt hương lên gọi Đế Thích. Ông muốn được làm mình một cách toàn vẹn, sống có ý nghĩa, xin chết để trả lại sự sống cho cu Tị.
+ Đế Thích: Quyết tâm sửa sai nhưng càng sửa càng sai, đưa ra lời đề nghị mong muốn Trương Ba được sống dưới xác cu Tị.
– Ý nghĩa:
+ Phản ánh mâu thuẫn xung đột giữa cá nhân và xã hội.
+ Khẳng định quyền dân chủ, quyền sống của con người.
+ Thể hiện triết lí của cuộc sống, sống sao cho có ý nghĩa.
e. Đánh giá:
– Tác phẩm đã khẳng định tài năng bậc tài của Lưu Quang Vũ, qua tác phẩm tác giả muốn nhắn nhủ mọi người rằng con người cần phải được sống là chính mình, cần phải biết đấu tranh để chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách.
– Nghệ thuật độc thoại nội tâm, tình huống kịch độc đáo khiến cho mâu thuẫn được đẩy lên cao trào.
3. Kết bài:
– Khái quát lại xung đột trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
II. Bài Văn Mẫu Phân Tích Xung Đột Kịch Trong Vở Kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt (Chuẩn)
Linh hồn và thể xác vốn là thứ không thể tách rời nhau. Thế nhưng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” ta lại bắt gặp một cảnh tượng thật éo le khi hồn và xác lại không thể dung hòa cho nhau để rồi dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Xung đột kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã thể hiện những triết lí nhân sinh sâu sắc về cuộc sống khi Hồn Trương Ba phải sống nương nhờ trong thân xác hàng thịt
Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường Việt Nam. Ông có phong cách nghệ thuật sáng tạo ở sự kết hợp giữa tính hiện đại vào các giá trị truyền thống. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được sáng tác năm 1981 và là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Trương Ba vốn là một người hiền lành nhưng bị Nam Tào bắt chết nhầm sau đó Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Trong thể xác thô phàm của anh hàng thịt đã khiến cho Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái cho nên Trương Ba đã xin Đế Thích cho mình được chết hẳn và trả lại sự sống cho người khác.
Xung đột kịch ở cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là cuộc xung đột chính của tác phẩm. Hồn và xác cần là một thể thống nhất thế nhưng ở đây, Hồn Trương Ba và xác hàng thịt lại có sự đối lập nhau. Hồn Trương Ba nhập vào xác của hàng thịt, từ đó có những phiền toái, hệ lụy khiến cho cuộc sống của Trương Ba bị đảo lộn. Trong cuộc đối thoại, xác hàng thịt đã đưa ra những bằng chứng chứng minh xác có sức ảnh hưởng ghê gớm, “lắm khi lấn át cả linh hồn cao khiết”. Thế nhưng dù sống trong hoàn cảnh không được là chính mình nhưng Hồn Trương Ba vẫn cho rằng mình “vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Hồn Trương Ba phủ nhận dẫn chứng mà xác hàng thịt đưa ra: “Đấy là mày chứ, chân tay của mày, hơi thở của mày”. Chính vì sự đối lập trong tính cách thường ngày của Hồn Trương Ba và xác hàng thịt đã khiến cho linh hồn trở nên coi thường thể xác. Xác hàng thịt cho rằng thể xác chính là “cái bình để chứa đựng linh hồn”, nhờ có thể xác mà Hồn Trương Ba có thể làm lụng, cuốc xới, nhìn ngắm trời đất, … khiến cho Hồn Trương Ba phải đuối lý.
Để tiếp tục được sống thì chẳng còn cách nào khác, linh hồn và thể xác phải chung sống hòa thuận với nhau. Hồn cứ việc nghĩ mình cao khiết, làm việc gì xấu cứ đổ cho xác nhưng bù lại hồn sẽ làm mọi việc để thỏa mãn nhu cầu thèm khát của xác. Trong cuộc đối thoại này, xác hàng thịt hoàn toàn chiến được ưu thế khiến cho hồn Trương Ba phải đuối lý, “bần thần nhập lại vào xác hàng thịt. Cuộc đấu tranh giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt chính là một ẩn dụ cho cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác trong mỗi con người. Linh hồn và thể xác cần có sự hài hòa, thống nhất giữa hồn và xác.
Xung đột kịch chưa dừng lại ở cuộc đối thoại giữa hồn và xác mà nó còn tiếp tục diễn ra ở cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân. Từ khi Trương Ba nhập vào xác hàng thịt gây ra nhiều phiền toái, hệ lụy. Chính sự thay đổi của Trương Ba trước và sau khi chết tạo nên sự mâu thuẫn của mọi người. Cuộc đối thoại với vợ, con dâu và cô cháu gái càng làm cho Trương Ba đau khổ hơn. Người vợ nhận thấy Trương Ba hoàn toàn thay đổi, không còn quan tâm đến những người hàng xóm và những người thân trong gia đình khiến cho vợ phải quyết định bỏ đi để nhường lại Trương Ba cho vợ anh hàng thịt. Bà đã nói ra cái điều mà chính ông cũng cảm nhận được “Ông đâu còn là ông, đâu còn là Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Trương Ba hiểu đầy đủ lời vợ nói nhưng bế tắc hoàn toàn “ngồi xuống, tay ôm đầu” tỏ vẻ bất lực.
Cái Gái từ chối nhận Trương Ba làm ông nội, nó nhận ra Trương Ba thô lỗ, phũ phàng không giống người ông trước đây. Nó phản ứng dữ dội, quyết liệt vì tâm hồn trẻ thơ vốn trong sạch, không chấp nhận sự tầm thường, dung tục nên nó không thể chấp nhận người ông trong thể xác thô lỗ của anh hàng thịt. Nó một mực khước từ tình thân: “Tôi không phải là cháu ông, ông nội tôi chết rồi”. Nếu trước đây cái Gái yêu quý ông nội nó bao nhiêu thì giờ đây nó ghét ông đến mức không thể chấp nhận cái con người có “bàn tay giết lợn”, “bàn chân to bè như cái xẻng” đã làm gãy tiệt cái chồi non, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm trong vườn của ông nội nó. Nó trách ông vì đã làm hỏng cái diều của cu Tị khiến cho cu Tị trong cơn sốt mà cứ khóc, cứ đòi bắt đền. Nó xua đuổi ông: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể cút đi!”.
Không giống như người vợ hay cái Gái, chị con dâu của Trương Ba lại có cái nhìn thương cảm, là người biết sẻ chia và thấu hiểu bi kịch bố chồng gặp phải nhưng chị cũng không thể chấp nhận được nghịch cảnh này: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy đau đớn, thấy … mỗi ngày thầy một khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với những người thân đã đẩy bi kịch của ông lên tới đỉnh điểm khiến cho Trương Ba đau khổ cùng cực và muốn giải thoát. Khi bi kịch được đẩy lên nấc thang cao nhất đòi hỏi nó phải được giải quyết. Người trong gia đình đến ngoài xã hội cũng không chấp nhận được sự thay đổi của Trương Ba cho nên kết quả của bi kịch dẫn đến là tất yếu.
Trong cuộc đối thoại với Đế Thích, Trương Ba đã đưa ra quyết định cuối cùng để hóa giải mọi bi kịch. Cuộc đối thoại này cũng là nơi Lưu Quang Vũ gửi gắm quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết. Trương Ba nhận ra ông không phù hợp trong thân xác của hàng thịt, ông đốt hương lên gọi Đế Thích Với ông “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”, ông muốn được là ông một cách toàn vẹn. Trương Ba đã chỉ ra cái sai của Đế Thích: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”. Sống thực sự cho ra người quả không hề dễ dàng. Khi sống không được là mình, phải sống gửi, sống chắp vá thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Đế Thích lại sửa sai bằng cách đưa ra lời đề nghị mong muốn Trương Ba được sống dưới xác cu Tị nhưng ông càng sửa lại càng sai. Thế nhưng Trương Ba một mực từ chối, ông muốn được làm mình một cách toàn vẹn, sống có ý nghĩa, xin chết để trả lại sự sống cho cu Tị. Quyết định này chứng tỏ Trương Ba có tinh thần nhân ái, nhân cách cao thượng và có quan niệm tiến bộ về lẽ sống. Cuộc xung đột giữa Trương Ba và Đế Thích đã phản ánh mâu thuẫn xung đột giữa cá nhân và xã hội. Qua đó tác giả muốn khẳng định quyền dân chủ, quyền sống của con người và việc sống có ý nghĩa là điều rất quan trọng.
Tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã khẳng định tài năng của Lưu Quang Vũ, qua tác phẩm tác giả muốn nhắn nhủ mọi người rằng con người cần phải được sống là chính mình, cần phải biết đấu tranh để chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách. Nghệ thuật độc thoại nội tâm, tình huống kịch độc đáo khiến cho mâu thuẫn được đẩy lên cao trào, tạo sự hấp dẫn, kịch tích cho người đọc.
Khép trang sách lại, ta vẫn thấy những dư âm về lẽ sống vẫn còn văng vẳng bên tai. Xung đột kịch trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ đã giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về sự hòa hợp giữa linh hồn và thể xác. Cho nên để không sống hoài, sống phí thì mỗi cá nhân chúng ta cần phải biết nỗ lực, cố gắng đấu tranh để có một cuộc sống thật ý nghĩa.
—————HẾT—————-
Dưới đây là bài phân tích về xung đột kịch trong vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Để giúp các em hiểu rõ hơn về triết lý sống ý nghĩa của Lưu Quang Vũ, các em có thể tham khảo những bài viết sau: “Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Phân tích giá trị nhân văn trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt”, và “Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt”.
Nguồn: thtrangdai.edu.vn
Chuyên mục: Blog